Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương

Tin tức sự kiện  
Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương
Chiều ngày 26/8/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) chủ trì hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có bà Đinh Thị Lụa - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố...
IMG_7756.jpg
cac dai bieu du hN.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Hội nghị đã đánh giá tình hình phát triển CPĐT và một số cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số. Theo đó, về kết quả xếp hạng CPĐT năm 2020, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.

Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667; cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Trong đó, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc). Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của ngành thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoàn thành dứt điểm 62/76 nhiệm vụ có thời hạn cụ thể.

Tính đến hết tháng 7 năm 2020; 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 96% quận, huyện, thị xã đã được kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng; 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), đạt tỷ lệ 82,61%.

Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt 88,53%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 100%; 44% bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ 4 lớp, trong đó đã triển khai bảo vệ lớp 2 (SOC) được 49%.

Năm 2020, Chính phủ đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt trên 30% DVCTT mức độ 4; tăng từ 50% lên 100% tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT; 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia và có trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng.

Tại hội nghị, các đại biểu  chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đẩy nhanh chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển CPĐT; tiến độ và cam kết kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, địa chính quốc gia…

Thu tuong CP.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại thành quả của Đảng, chính quyền, sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời ghi nhận, biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng, góp phần vào công tác phòng chống dịch; sự đóng góp, chung sức của các doanh nghiệp tiêu biểu đã đóng góp nhân lực, tài lực tham gia phòng, chống dịch, cung cấp các ứng dụng, phần mềm học tập, miễn giảm phí trong quá trình diễn ra dịch bệnh…

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh lại những kết quả đạt được trong xây dựng CPĐT thời gian qua, nhất là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong xây dựng CPĐT được tăng cường; các nền tảng CPĐT phát triển rất nhanh; hệ thống an toàn thông tin được đẩy mạnh; dịch vụ công tiếp tục được phát triển; tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao ở cấp bộ, cấp tỉnh; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã đi vào nề nếp; công cuộc chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực; bộ máy chỉ đạo điều hành CPĐT các cấp tiếp tục được kiện toàn…

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc; phát triển các ứng dụng CPĐT; triển khai cung cấp các DVCTT, chia sẻ các nền tảng dữ liệu; dành tỉ lệ thích đáng cho đầu tư CNTT; Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đề án đào tạo cho các địa phương; có kế hoạch kiểm tra đôn đốc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dữ liệu điện tử về dân cư; nghị định về định danh và xác thực điện tử; chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và phù hợp với Việt Nam; tiếp tục nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.../. ​​



Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam