Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tham luận. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trước tiên, thay mặt UBND tỉnh Hà Nam, tôi xin gửi đến toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. Ảnh: T.S
Kính thưa các vị đại biểu !
Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hết sức thuận lợi (quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, quốc lộ 38, quốc lộ 21 và tuyến đường sắt Bắc - Nam)... tạo cho Hà Nam lợi thế là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Đông Bắc, ra cảng Hải Phòng, Sân bay quốc tế Nội Bài và cửa khẩu các tỉnh phía Bắc.
Những năm qua, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn từ 2011-2016, tăng trên 13,05%/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: Năm 2016, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản: 11,7%; chính trị- xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao (GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.200 USD/người).
Về công nghiệp: Coi phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững và có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ và đặc biệt là đưa ra 10 cam kết đầu tư đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 khu công nghiệp đã được phê duyệt với diện tích 2.534 ha; đã có 05 khu công nghiệp được thành lập và đã "lấp đầy" với diện tích 975 ha; 01 khu công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Hà Nam có 705 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 6,2 tỷ USD, trong đó có trên 200 dự án FDI đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 2,23 tỷ USD.
Về nông nghiệp, là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm lúa của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, với 70% dân số thuộc khu vực nông thôn. Do đó, nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn là từ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh xác định: Quy hoạch vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh thuộc 2 huyện Lý Nhân, Bình Lục nhằm khai thác lợi thế vùng đồng bằng ven sông Hồng, sông Châu phát triển theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa với các cây trồng chủ lực: lúa, rau, củ, quả sạch, chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và hướng tới xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề quan tâm lớn của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 4%/năm đến năm 2020, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải quy hoạch, tập trung tích tụ đất đai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn và liên kết phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh các nông sản chủ lực như: vùng trồng và chế biến các sản phẩm rau củ, quả sạch tại các xã ven sông Châu thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý với diện tích hơn 1.100 ha; vùng trồng lúa và các nông sản khác 30.000 ha; bò sữa, bò thịt tập trung tại các xã ven sông Hồng, sông Đáy thuộc huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng và Thanh Liêm; chăn nuôi lợn tập trung tại các xã thuộc huyện Bình Lục, Thanh Liêm và Lý Nhân.
Tỉnh đã lập quy hoạch 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đến chân hàng rào 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 500 ha, đồng thời đã tích tụ đất đai thông qua các hình thức vận động người dân có đất nông nghiệp ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất trong thời hạn 20- 40 năm (thông qua chính quyền các cấp: xã, huyện, tỉnh) để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Tập đoàn VinGroup 180 ha, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương 21,6 ha (giai đoạn I), Tập đoàn Dabaco 9,1 ha, Công ty cổ phần sữa Việt Nam 150 ha với tổng số vốn đầu tư 1.224 tỷ đồng; hiện nay, các doanh nghiệp đã, đang tiến hành đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển sẽ trở thành vùng lõi, là hạt nhân liên kết với các hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông sản sạch. Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ ký hợp đồng hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch để bao tiêu, tiêu thụ nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, Global GAP.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 53 mô hình sản xuất của các tổ hợp tác, các nhóm hộ nông dân, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của 38 xã trên địa bàn tỉnh có mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch với các doanh nghiệp với diện tích 445 ha, các sản phẩm liên kết chủ yếu là rau ăn lá, dưa các loại, ngô ngọt và lúa chất lượng cao, một số sản phẩm liên kết đã được bán tại các siêu thị Vinmart, BiC, Bắc Tôm… và sẽ phát triển tiếp trong thời gian tới.
Kết quả của việc quy hoạch, tập trung tích tụ ruộng đất được nhân dân đồng thuận, người lao động tham gia sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 6-9 USD/ngày (170- 250 USD/tháng); doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, có hiệu quả tích cực, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết có thu nhập cao 3-5 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Những kết quả bước đầu nêu trên là tiền đề quan trọng để tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp bền vững.
Kính thưa các vị đại biểu!
Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu trên, Hà Nam xác định các doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là hạt nhân liên kết, là nhân tố quyết định thành công của liên kết chuỗi; doanh nghiệp sẽ là đầu tàu để đưa khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, khi đó nông sản sẽ có đầu ra và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên.
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam mong muốn có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong khối APEC đầu tư vào Việt Nam nói chung, đầu tư vào Hà Nam nói riêng, đặc biệt là khảo sát, tìm hiểu, đầu tư liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi tại Hà Nam, cụ thể là:
- Các dự án trồng và chế biến các sản phẩm rau củ, quả, sạch có giá trị gia tăng cao phục vụ thị trường nội địa (đặc biệt là Hà Nội) và xuất khẩu.
- Các dự án khu chăn nuôi tập trung khép kín từ cung cấp giống- thức ăn- chế biến sản phẩm từ thịt với các con nuôi chủ lực: lợn sạch, bò sữa, bò thịt.
- Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp (KCN Thái Hà).
Chúng tôi cam kết thực hiện nhất quán chủ trương chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm, thực hiện nghiêm túc 10 cam kết đầu tư đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến hoạt động kinh doanh, hợp tác làm ăn trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể quý vị đại biểu lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!